Mua he 2009-2010

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

3 nguyên tố mới đã được đặt tên: Darmstadtium, Roentgenium, Copernicium

       Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học vừa có thêm ba nhân vật hạng nặng mới vào hôm 4 tháng 11. Tên gọi chính thức của ba nguyên tố mới đã được IUPAP phê chuẩn.
       Nguyên tố 110, 111 và 112 được đặt tên là darmstadtium (Ds), roentgenium (Rg) và copernicium (Cn).
      Những nguyên tố này quá lớn và không bền nên chúng chỉ có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm, và chúng nhanh chóng phân hủy thành những nguyên tố khác. Người ta không biết gì nhiều về những nguyên tố này, vì chúng không đủ bền đẻ làm thí nghiệm và không có mặt trong tự nhiên. Chúng được gọi là nguyên tố “Siêu Nặng”, hay Transuranium.

Nicolaus Copernicus

          Thế giới quay xung quanh Copernicium
       Tạm thời gọi là ununbium, copernicium, nguyên tố mới 112, mang tên nhà thiên văn học người Phổ Nicolaus Copernicus (1473-1543), người đầu tiên đề xuất rằng Trái đất quay xung quanh mặt trời, chứ không phải mặt trời quay xung quanh Trái đất, và bắt đầu “Cuộc cách mạng Copernicus”. Trong một phát biểu công bố hồi tháng 7 năm 2009, Sigurd Hofmann, người đứng đầu nhóm khám phá tại Trung tâm Nghiên cứu Ion Nặng GSI Helmholtz ở Đức, nói rằng họ đặt tên cho nguyên tố là Copernicus “để tôn vinh một nhà khoa học lỗi lạc, người đã làm thay đổi thế giới quan của chúng ta”.
        Hofmann và các đồng sự của ông lần đầu tiên tạo ra một nguyên tử của nguyên tố phóng xạ cực mạnh này vào hôm 9 tháng 2 năm 1996, bằng cách cho kẽm và chì lao vào nhau. Kể từ đó, có tổng cộng 75 nguyên tử copernicium đã được tạo ra và phát hiện. Phải mất 10 năm và nhiều lần lặp lại thí nghiệm, nhóm nghiên cứu mới công nhận nguyên tố 112.
          Roentgenium, mang tên một nhà vật lí hiện đại
         Nguyên tố số 111, tên chính thức được đặt lại là roentgenium, được chính thức phát hiện vào năm 1994 khi một đội tại GSI đã tạo ra ba nguyên tử của nguyên tố này, khoảng một tháng sau khi họ khám phá ra darmstadtium, vào ngày 8 tháng 12. Nhóm thực nghiệm cần một thí nghiệm lặp lại để chính thức đặt tên cho nguyên tố, nên đã thực hiện lại thí nghiệm của mình vào năm 2002 và đã tạo ra nhiều nguyên tử hơn.
       Roentgenium mang tên nhà vật lí người Đức Wilhelm Conrad Roentgen (1845 – 1923), bãi bỏ tên gọi tạm thời unununium. Roentgen là người đầu tiên tạo ra và phát hiện ra tia X vào ngày 8 tháng 11 năm 1895. Ông đã giành Giải Nobel Vật lí đầu tiên vào năm 1901 cho khám phá đó.

Darmstadtium mang số 110

Darmstadtium, nguyên tố mới 110, tên gọi tạm thời là ununnilium, lần đầu tiên được tổng hợp vào ngày 9 tháng 11 năm 1994 tại cơ sở GSI ở gần thành phố Darmstadt. Nó được khám phá ra bởi Peter Armbruster và Gottfried Münzenberg, dưới sự chỉ đạo của Hofmann. Nó được tạo ra bằng cách cho nickel-62 bắn phá một đồng vị nặng của chì, phản ứng tạo ra bốn nguyên tử darmstadtium. Thí nghiệm lặp lại với nickel-64, tạo ra nhiều hơn chín nguyên tử.

Robert Kirby-Harris, chủ tịch Viện Vật lí và là tổng thư kí IUPAP, nói “Việc đặt tên cho những nguyên tố này đã được thống nhất sau khi tham khảo ý kiến các nhà vật lí trên khắp thế giới và chúng tôi vui mừng thấy chúng nay đã có mặt trong Bảng tuần hoàn hóa học”.

Theo Space.com

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Vì sao mặt trăng lúc nguyệt thực trông có màu đỏ?

Trong thời gian nguyệt thực, bạn sẽ thấy cái bóng của Trái đất từ từ quét qua bề mặt của mặt trăng. Cái bóng đó xuất hiện có màu sẫm tối, giống như miếng bánh bích quy đã bị cắn một miếng, cho đến khi cái bóng hoàn toàn che hết mặt trăng. Sau đó, trong thời khắc ngoạn mục của sự che khuất toàn phần, cái bóng trên bề mặt mặt trăng thường bất ngờ thay đổi. Thay vì tối đen, nó lại chuyển sang đỏ. Tại sao vậy?

Nguyên do là vì không khí mà chúng ta thở. Nếu Trái đất không có khí quyển, thì cái bóng của Trái đất trên mặt trăng lúc nguyệt thực sẽ có màu đen. Sự có mặt của khí quyển Trái đất có nghĩa là, trong thời gian nguyệt thực, ánh sáng mặt trời khúc xạ và bị lọc qua khí quyển của Trái đất rọi lên trên mặt trăng. Ánh sáng mặt trời đã bị lọc này làm cho mặt trăng trông có màu đỏ trong lúc nguyệt thực toàn phần.

+ Phóng to hình
Nguyệt thực ngày 3 tháng 3 năm 2007. Ảnh: Joshua Valcarcel. (Wikimedia Commons)

Nhưng màu đỏ không phải là màu duy nhất của mặt trăng lúc nguyệt thực toàn phần. Mặt trăng nguyệt thực có thể có màu nâu, đỏ, cam hoặc vàng. Màu sắc phụ thuộc vào sự có mặt của bụi và những đám mây trong khí quyển của Trái đất. Nếu như vừa có một đợt phun trào núi lửa, chẳng hạn, thì cái bóng trên mặt trăng sẽ trông tối đen lúc nguyệt thực. Hồi tháng 12 năm 1992, không bao lâu sau sự phun trào của núi lửa Pinatubo ở Philippines, trong khí quyển của Trái đất có quá nhiều bụi bặm nên mặt trăng nguyệt thực toàn phần hầu như không thể nhìn thấy.

Vậy người ta có thể biết trước mặt trăng sẽ trông đỏ như thế nào trong một lần nguyệt thực toàn phần hay không? Không biết chính xác đâu. Trước khi nguyệt thực xảy ra, bạn thường nghe người ta nói về điều đó. Tuy nhiên, không ai biết chắc chắn mặt trăng sẽ trông đỏ như thế nào khi thời khắc nguyệt thực xảy đến. Sự không chắc chắn đó một phần là thú vui của sự chiêm ngưỡng nguyệt thực. Và người ta vẫn mong có mặt trăng đỏ trong lúc nguyệt thực toàn phần.

Những hình ảnh vật lý được yêu thích nhất 2011 (Update)

Khi đăng tải những tiến bộ vật lí phức tạp và hấp dẫn trong năm, chúng tôi thật sự yêu thích hình ảnh lí thú đi cùng với nó. Dưới đây là 12 bức ảnh yêu thích nhất của chúng tôi [ban biên tập tạp chí Physics World,] trong năm 2011, không xếp theo thứ tự đặc biệt nào cả. Từ những ảnh minh họa đẹp mắt và ảnh lịch sử đến những hình ảnh cho thấy khoa học đã ảnh hưởng như thế nào đến thế giới ta đang sống. Chúng tôi hi vọng bạn cũng sẽ yêu thích chúng.

Những viên gạch cấu trúc của tự nhiên mang lại sự sống

Các biến thể Fano. Ảnh: Tom Coates

Không, nó không phải là một tác phẩm nghệ thuật đương đại, mặc dù có lẽ bạn dễ dàng thỏa sức tưởng tượng đã nhìn thấy những hình ảnh nhiều màu sắc này trên tường nhà minh. Những hình ảnh này là một phần của một dự án mới muốn xây dựng một bảng tuần hoàn những hình dạng có thể trở thành một tài nguyên hữu ích cho các nhà toán học và nhà vật lí lí thuyết. Nó là bộ sưu tập những hình dạng gồm ba, bốn và năm chiều không thể chia nhỏ thành những hình dạng đơn giản hơn nữa. Các nhà nghiên cứu tìm thấy những viên gạch cấu trúc này của vũ trụ, gọi là “các biến thể Fano”, khi đi tìm nghiệm cho lí thuyết dây, lí thuyết giả sử rằng ngoài không gian và thời gian, còn có những chiều ẩn giấu khác nữa.

Học giả và Vua Caliph

Ảnh minh họa Ibn al-Haytham. Ảnh: Sun and Moon Studios

Đây không phải là những minh họa kiểu hoạt hình thường xuất hiện trên tạp chí Physics World, nhưng câu chuyện này thật sự đáng để suy ngẫm. Đây là một trong ba bức ảnh phác họa lại trong trí tưởng tượng của một quãng thời gian 10 năm trong cuộc đời của nhà bác học Hồi giáo thời Trung cổ Ibn al-Haytham (965–1040), người được nhiều nhà sử học xem là cha đẻ của ngành quang học hiện đại. Năm nay là năm kỉ niệm một thiên niên kỉ ra đời tác phẩm lớn của ông Kitab al-Manazir (Sách Quang học).

Búa nước trên chất nền siêu kị nước

Sóng áp suất truyền qua một giọt nước trên chất nền silicon. Ảnh: Kripa Varanasi

Bức ảnh tăng cường màu này thể hiện một giọt nước đang lắng trên một chất nền silicon “siêu kị nước”. Một sóng áp suất bắt đầu đi qua giọt nước. Sóng áp suất chuyển động qua từng giọt nước khi chúng hạ lên trên một bề mặt, gửi một sóng xung kích qua giọt nước làm cho nó lắc lư và trở nên bị biến dạng. Trong khi hiện tượng này khá giống hiệu ứng “búa nước” mà người ta thường nghĩ là gây phiền hà trong hệ thống ống nước, nhưng các nhà nghiên cứu ở Mĩ cho biết nó có thể giải thích những giọt nước thâm nhập các bề mặt như thế nào.

Động đất ở Nhật Bản khiến người ta nghĩ lại về năng lượng hạt nhân

Lửa bốc lên tại Fukushima Daiichi sau trận động đất và sóng thần. Ảnh: REUTERS/Digital Globe/Handout

Lò phản ứng số 3 thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đang bốc hỏa trong bức ảnh chụp vệ tinh hôm 14/3 này. Các lò phản ứng 1-4 có thể nhìn thấy từ phía dưới lên trên bức ảnh. Thảm họa sau trận động đất 8,9 độ Richter và sóng thần sau đó đã tàn phá đất nước Nhật Bản hồi đầu năm nay, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và gây tổn thất nặng nề đối với cơ sở hạ tầng của quốc gia này. Giới chức Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Fukushima ở cấp 7 theo Thang Sự cố Hạt nhân Quốc tế (INES) – cấp cao nhất. Thảm họa trên khiến chính phủ các nước trên thế giới phải xét lại các chương trình năng lượng hạt nhân của nước họ.

Cuộc cách mạng mới của thuyết tương đối

Hai lỗ đen đang tương tác. Ảnh: Werner Benger/AEI/CCT/ZIB

Chúng tôi thích bức ảnh minh họa hai lỗ đen đang tương tác này đến mức chúng tôi đã đưa nó lên làm trang bìa của số ra tháng 10 của tờ Physics World. Đây là hình ảnh thuộc một chương trình mô phỏng của hai lỗ đen đi sớt qua nhau và phát ra sóng hấp dẫn. Những lỗ đen lang thang bị đánh bật ra khỏi hang ổ thiên hà của chúng là một trong những tiên đoán bất ngờ của các nhà vật lí sử dụng các chương trình mô phỏng mạnh để giải các phương trình Einstein của thuyết tương đối rộng nhằm hiểu rõ hơn về những lỗ đen đang khiêu vũ này.

Công bố thẻ xuống sân bay của Einstein sau 80 năm

Trốn sang vùng đất mới. Ảnh: National Museums Liverpool

Mảnh giấy xoàng xĩnh này thuộc về một chương quan trọng trong cuộc sống của một trong những nhân vật xuất sắc nhất thế kỉ 20. Nó là tấm giấy xuống sân bay cấp cho Albert Einstein khi công đến Anh vào năm 1933 sau khi bỏ trốn khỏi chế độ Đức Quốc xã. Tấm thẻ được mang ra trưng bày rộng rãi lần đầu tiên hồi tháng 5 năm nay, tại Bảo tàng Hàng hải Merseyside ở Liverpool, sau gần 80 năm cất giữ tại Sân bay Heathrow. Lưu ý rằng Einstein khai quốc tịch của ông là Thụy Sĩ, vì ông đã từ bỏ tư cách công dân Đức của mình chỉ vài tuần trước đó trong một phản ứng giận dữ trước chính quyền phát xít.

Lửa bùng phát tại phòng thí nghiệm dưới lòng đất ở Mĩ

Lính cứu hỏa đang xử lí thảm họa tại Mỏ khoáng Soudan. Ảnh: Minnesota Incident Command Center

Hoạt động trong bức ảnh trên trông tựa như cái gì đó trong phim trường Holywood, nhưng thật ra nó là ảnh chụp những người lính cứu hỏa đang phun bọt và nước xuống một hầm lò mỏ khoáng sau khi lửa bùng phát tại Phòng thí nghiệm Dưới lòng đất Soudan hồi tháng 3 năm nay. Cơ sở trên là nơi đặt một số thí nghiệm vật lí công nghệ cao, bao gồm máy dò neutrino MINOS và máy dò của thí nghiệm Tìm kiếm Vật chất Tối Lạnh (CDMS). Trong khi một số bọt phun thật sự đi vào phòng thí nghiệm chính, thì các thiết bị điện tử của máy dò CDMS vẫn bình an vô sự và phòng thí nghiệm nay đã mở cửa hoạt động bình thường trở lại.

Ảnh ảo ba chiều sắc nét hơn

Từ một quả táo trong mắt đến thực tế. Ảnh: Science/AAAS

Quả táo trông tươi ngon này không phải là chiến dịch quảng cáo mới nhất từ một nhà sản xuất máy tính tên tuổi nào. Đây là ảnh chụp một loại hologram mới do các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản phát triển, họ đã thành công trong việc miêu tả màu sắc thực tế trong các hologram không thay đổi theo góc nhìn, cái xảy ra với đa số hologram hiện nay. Kĩ thuật của họ khai thác các dao động nhỏ xíu trong những bề mặt kim loại gọi là “plasmon mặt”.

Chuyến bay lịch sử cuối cùng của tàu Atlantis

Chuyến bay cuối cùng của chương trình tàu con thoi. Ảnh: NASA/Bill Ingalls

Được xem là một hình ảnh biểu trưng của năm, trên đây là ảnh chụp tàu con thoi vũ trụ Atlantis của NASA, chụp không bao lâu sau khi cấu trúc dịch vụ quay lăn bánh trở lại Bệ phóng 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida hồi tháng 7 năm nay. Đánh dấu chuyến bay cuối cùng của chương trình tàu con thoi vũ trụ - STS-135 – Atlantis và một phi hành đoàn 4 người đã thực hiện một sứ mệnh 12 ngày phân phát hơn 3,5 tấn hàng tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), giúp trạm này tiếp tục hoạt động trong một năm.

Mecca từ tính

Từ trường 1 – tác phẩm của Ahmed Mater al Ziad. Ảnh: Trustees of the British Museum

Bức ảnh đẹp ấn tượng này – tên gọi là Từ trường 1 và là tác phẩm của họa sĩ Saudi Ahmed Mater – ra mắt hồi tháng 7, trong một cuộc triển lãm mang tên “Hành trình Hajj đến thánh địa Hồi giáo” tại Bảo tàng Anh ở London. Bức ảnh chụp – thể hiện khung cảnh biểu trưng của hàng trăm nghìn người hành hương hajj vây quanh Ka’bah ở Mecca, Arab Saudi – là ảng chụp một thanh nam châm vây quanh bởi mạt sắt. Hình ảnh sẽ quen thuộc với những ai đã học về từ trường tại trường học đồng thời thể hiện được tính cốt lõi của tín ngưỡng hành hương Ka’bah.

Đêm sao đầy sao

Các thiên hà đang tương tác – NGC 5394 và NGC 5395. Ảnh: Alex Cherney

Thoạt nhìn, bức ảnh này trông tựa như một ảnh chụp Hubble tiêu biểu. Đó là vì nó được chụp bởi nhà nhiếp ảnh thiên văn nghiệp dư Alex Cherney. Giải thưởng của ông trong một cuộc thi nhiếp ảnh thiên văn là một giờ sử dụng một trong những chiếc kính thiên văn quang học lớn nhất trên hành tinh – Kính thiên văn Lớn Canary 10,4 m (GranTeCan), trên quần đảo Canary ở Tây Ban Nha – cộng với cơ hội tham gia và là khách mời của một chương trình “ai là ai” thuộc lĩnh vực thiên văn học tại festival STARMUS, một sự kiện thiên văn tổ chức trên quần đảo Canary hồi tháng 6. Sau nhiều cân nhắc, Cherney đã quyết định sử dụng một giờ của ông để sử dụng và chụp ảnh Arp84 (ảnh trên), một cặp thiên hà đang tương tác – NGC 5394 và NGC 5395.

Batman xuất hiện trong đám electron siêu lạnh

Các chùm electron có thể tạo ra những hình dạng kì lạ nhất. Ảnh: Robert Scholten/Đại học Melbourne

Mô típ Batman không thường xuất hiện trên các tạp chí vật lí, nên bức ảnh thật sự thu hút sự chú ý của chúng ta khi nó xuất hiện trong một bài báo Nature hồi tháng 8. Nó là sản phẩm của một nguồn electron lạnh mới có thể chụp ảnh những cấu trúc nhỏ xíu ở cấp độ chiều dài nguyên tử. Nguồn electron trên, khai thác công dụng của các nguyên tử siêu lạnh, có thể phân phối những xung electron kết hợp và cường độ mạnh với những hình dạng đặc biệt – trong đó có nhân vật người dơi quen thuộc ở trên.

Dịch bởi 123physics – thuvienvatly.com

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Giáo sư Văn Như Cương kiên quyết đuổi học sinh "ngựa quen đường cũ"

(GDVN) - “Tôi đồng ý với quyết định đuổi học, nếu các em này thực sự là cá biệt, vi phạm kỉ luật nhiều lần. Thà hi sinh một học sinh hư để giáo dục các em khác.” Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cho biết.
LTS: Ngày 8/12, ban lãnh đạo Trung tâm giáo dục thường xuyên Huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã đưa ra giải pháp xem xét đuổi học 3 em học sinh đánh bạn. Quyết định đuổi học này dưới góc nhìn của những người quản lý giáo dục ra sao, Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân Lập Lương Thế Vinh.

Cần xây trường giáo dục nhân cách cho học sinh cá biệt

Thưa GS Văn Như Cương, GS nhận định như thế nào về quyết định cho 3 học sinh đánh bạn, quay clip và tung lên mạng đang bị xem xét đuổi học?

GS Văn Như Cương: Trước tiên, theo tôi nghĩ nhà trường cần phải thật sự khách quan và xem xét kĩ lưỡng sự việc. Các em học sinh này tham gia đánh nhau vì lí do gì? Trong hoàn cảnh nào? Và đây có phải là bản chất của các em hay không?

Nếu các em học sinh đó chỉ mới vi phạm lần đầu, vì lí do nào đó thì có thể xem xét. Có thể vì 3 em này đã từng bị đánh, từng bị xúc phạm trước đó. Việc quay video không phải chủ đích của các học sinh này, nhà trường cần cân nhắc lại “bản án” cho các em.

Nếu đã là học sinh cá biệt, có đạo đức không tốt, đã vi phạm nhiều lần, cố tình chống lại quy định, kỉ cương thì tôi cũng sẵn sàng đồng ý với quyết định đuổi học của hội đồng kỉ luật nhà trường.

+ Phóng to hình
Ba học sinh đánh bạn đến ngất có thể bị đuổi học

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, giáo dục học sinh là trách nhiệm của nhà trường. Nhà trường không nên đuổi học sinh ra khỏi trường. Theo thầy khi đuổi các em hư ra khỏi trường thì ai sẽ là người giáo dục cho các em?

GS Văn Như Cương: Trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ không phải của riêng nhà trường. Để giáo dục một người cần có sự chung tay của gia đình lẫn cộng đồng xã hội.

Nhà trường luôn mong muốn và cố gắng giáo dục các em thành người có đức, có tài. Nhưng nếu xã hội và gia đình không làm gương cho các em thì khó lòng chúng tôi gánh vác được hết trách nhiệm giáo dục các em.

Một khi học sinh đã quá hư, không thể giáo dục được thì chúng tôi đành phải trả lại cho gia đình. Đặc biệt là với trường tư thục như Lương Thế Vinh khi gặp phải trường hợp học sinh không dạy được thì chúng tôi cũng phải đuổi.

Thà hi sinh một vài em hư còn hơn là để các em hư này trở thành tấm gương mờ cho các em học sinh khác. Và không một phụ huynh nào muốn cho con em mình học chung trường, chung lớp với những học trò cá biệt cả.

Có giải pháp nào để có thể giáo dục các em học sinh cá biệt này thưa GS?

GS Văn Như Cương: Tôi nghĩ thế này. Nếu một em học sinh hư mà bị nhà trường cho nghỉ học cảnh cáo vài hôm rồi lại đi học sau đó vẫn tiếp diễn, sẽ khiến các em học sinh ngoan khác hư theo. Vì khi ấy chúng nghĩ kỉ luật của trường không nghiêm. Do đó cần phải có biện pháp mạnh với các trò “ngựa quen đường cũ.”

Mặt khác, cứ để các em nghỉ học lêu lổng thì các em lại càng hư hỏng hơn. Vậy tại sao chúng ta không thành lập những trường đào tạo, quản thúc giáo dục nhân cách cho các trẻ em hư. Ở nước ta tôi chưa thấy có những trường học chỉ dành để cải tạo nhân cách riêng cho những học sinh cá biệt.

Một khi các em đã cải tạo tốt, đã “hoàn lương” nhà trường sẵn sàng đón nhận các em lại học.

Khi nhiều em muốn nổi như Lê Văn Luyện

+ Phóng to hình
Giáo sư Văn Như Cương kiên quyết đuổi học sinh "ngựa quen đường cũ"
Thưa Gs, tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng, GS có nhận thấy điều đó trong nền giáo dục hiện nay? Và ở trường Lương Thế Vinh có xảy ra hiện tượng này không?

GS Văn Như Cương: Quả thật là tôi thấy bạo lực học đường đang rất trầm trọng. Hàng loạt vụ đánh nhau, rạch quần áo rồi tung video lên mạng trong thời gian qua đã dóng lên hồi chuông báo hiệu sự xuống dốc rất nguy hiểm của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ.

Trường nào cũng sẽ có hiện tượng chửi thề, nói bậy. Trường tôi chưa xảy ra tình trạng đánh nhau như vậy.


Liệu bạo lực học đường như vậy có phản ánh chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường, nhất là các trường trung học, phổ thông hiện nay?

GS Văn Như Cương: Các môn học đạo đức, nhân văn quả thật cũng đang bị xem nhẹ tại nhiều trường học. Nhưng tôi khẳng định rằng hiện tượng bạo lực học đường không phải lỗi của riêng nhà trường. Nó còn phản ánh rất nhiều mặt trái của xã hội.

Trong đó một phần lỗi không nhỏ là từ chính giới truyền thông. Những vụ án giết người dã man được truyền thông đào sâu, bới quá kĩ. Những anh chàng như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa sau một vụ giết người được báo chí nói đến quá rầm rộ, họ trở thành người nổi tiếng. Không ít bạn trẻ lại thấy đó là một thần tượng của mình, do đó chúng cũng muốn nổi tiếng bằng cách tiêu cực như vậy.

Trong thời gian qua, những vụ đánh nhau, quay clip và tung lên mạng chủ yếu lại là các bạn nữ sinh. Thầy có lí giải gì cho việc này không ạ?

GS Văn Như Cương: Trước tiên, tôi phải nói rằng, hiện nay giới trẻ đang rất muốn khẳng định mình. Một anh A đánh một bạn B, nhưng cuộc chiến đó chỉ có hai người biết, thì anh A không thấy hả hê. Càng nhiều người biết đến thành tích đánh bạn B kia, thì anh A mới càng thấy thỏa mãn.

Do vậy mà việc đánh nhau tung lên mạng để cho người khác thấy chiến thắng, thấy cái uy của nhiều bạn trẻ hiện nay cũng chỉ xuất phát ở tính hiếu chiến, hiếu thắng và muốn mình nổi bật. Mà việc đưa clip lên mạng bây giờ quá đơn giản lại dễ nổi nên nhiều cô cậu dại dột mà nhận lấy cái nổi tiếng hão ấy.

Xin cám ơn Giáo sư đã chia sẻ! Xin chúc Giáo sư luôn mạnh khỏe!

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Moon: Dòng điện xoay chiều

Moon: Dòng điện xoay chiều

Tình yêu đôi khi không nhất thiết phải cần một lí do.

Một cô gái hỏi bạn trai của mình:

- Tại sao anh yêu em?
- Sao em lại hỏi như thế, làm sao anh tìm được lí do chứ! Chàng trai trả lời.
- Không có lí do gì tức là anh không yêu em!
- Em không thể suy diễn như vậy được.
- Nhưng bạn trai của bạn em luôn nói cho cô ấy biết những lí do mà anh ta yêu cô ấy.
- Thôi được, anh yêu em vì em xinh đẹp, giỏi giang, nhanh nhẹn. Anh yêu em vì nụ cười của em, vì em lạc quan. Anh yêu em vì em quan tâm đến người khác.Cô gái cảm thấy rất hài lòng.

Vài tuần sau, cô gái gặp một tai nạn khủng khiếp nhưng thật may, cô ấy vẫn còn sống. Bỗng nhiên cô trở nên cáu kỉnh vì cảm thấy mình vô dụng. Vài ngày sau khi bình phục, cô gái nhận được một lá thư từ bạn trai của mình:

“ Chào em yêu! Anh yêu em vì em xinh đẹp. Thế thì với vết sẹo trên mặt bây giờ anh không thể yêu em được nữa. Anh yêu em vì em giỏi giang nhưng bây giờ em có làm được việc gì đâu. vậy thì anh không thể yêu em được.Anh yêu em vì em nhanh nhẹn nhưng thực tế là em đang ngồi trên xe lăn. Đây không phải là lí do giúp anh yêu em.Anh yêu em vì nụ cười của em nhưng cả tháng nay rồi anh chẳng thấy em cười. Anh có nên yêu em nữa không?Anh yêu em vì em lạc quan. Bây giờ anh không yêu em nữa vì lúc nào em cũng nhăn nhó, than vãn. Anh yêu em vì em quan tâm đến người khác nhưng giờ đây mọi người lại phải quan tâm đến em qua nhiều. Anh không nên yêu em nữa. Đấy, em chẳng có gì khiến anh phải yêu em vậy mà anh vẫn yêu em. Em có cần một lí do nào nữa không, em yêu?”

Cô gái bật khóc và chắc chắn cô không cần biết một lí do nào nữa. Còn bạn, bạn có bao giờ hỏi những người thân của bạn lí do vì sao họ yêu bạn không?

Ba điều giá trị trong cuộc sống

Ba điều trong đời bạn khi đã đi qua không bao giờ lấy lại được.
Thời gian Lời nói Cơ hội Ba điều trong đời bạn không được đánh mất.
Sự thanh thản Hy vọng Lòng trung thực.
Ba thứ có giá trị nhất trên đời Tình yêu Lòng tự tin Bạn bè Ba thứ trong đời không bao giờ bền vững được.
Giấc mơ Thành công Tài sản.
Ba điều làm nên giá trị một con người Siêng năng Chân thành Thành đạt.
Ba điều làm hỏng một con người Rượu Lòng tự cao Sự giận dữ
Hoa đầu mùa lúc nào cũng đẹp

Nắng đầu mùa lúc nào cũng say

Mối tình đầu lúc nào cũng đẹp

Rất đậm đà, lại rất đắng cay.