TT - Sau loạt bài “Điểm thi lịch sử thấp không ngờ”, đặc biệt là phần trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều ý kiến của những người quan tâm đến lịch sử nước nhà.
Thống kê điểm thi môn lịch sử của thí sinh dự thi vào các trường ĐH trong kỳ thi tuyển sinh 2011 - Đồ họa: Vĩ Cường - Minh Giảng |
Giáo sư VŨ DƯƠNG NINH (ủy viên BCH Hội Khoa học lịch sử VN):
Đừng đá bóng sang chân người khác
Nếu nói việc thế hệ trẻ không thích học lịch sử VN là trách nhiệm của cả xã hội cũng có phần đúng. Bởi khi trong xã hội, cơ hội việc làm, cơ hội có lương cao, có tương lai tốt hơn tập trung vào những ngành thời thượng, khi tấm bằng đại học còn là “tấm vé thông hành” quan trọng để xin việc làm, thăng tiến thì việc học sinh, phụ huynh học sinh coi nhẹ một số môn học, trong đó có môn lịch sử, là chuyện dễ hiểu.
Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc “đá quả bóng sang chân người khác”. Việc học sinh không thích học sử là vấn đề mà những nhà sử học, những thầy cô giáo dạy lịch sử chúng tôi trăn trở và bàn rất nhiều từ những năm trước đây, chứ không phải bây giờ. Hội Khoa học lịch sử VN cũng từng có những kiến nghị lên các cấp báo động về tình trạng không thích sử của thế hệ trẻ, nhưng những kiến nghị đều rơi vào im lặng.
Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích những thiếu sót dẫn đến tình trạng này để đề xuất hướng khắc phục. Nhưng tôi cho rằng ngành GD-ĐT nên nhận thấy trách nhiệm của mình và nỗ lực trong việc tìm ra giải pháp để học sinh yêu thích lịch sử dân tộc mình, để chất lượng dạy học sử được nâng lên theo hướng thiết thực, gần gũi với lứa tuổi thanh thiếu niên hơn. Nỗ lực này cần bắt đầu từ việc khẳng định lại vị trí quan trọng của môn lịch sử bên cạnh những môn học mà theo ngành GD-ĐT, đang cần đầu tư để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Khi môn lịch sử chỉ được coi là môn phụ, là môn thi thay thế và mục đích của việc học tập ở trường phổ thông chỉ nhằm để đi thi chứ không phải trang bị những tri thức, kỹ năng cần thiết để vào đời thì vấn đề của môn sử hiện nay khó có thể giải quyết.
Giảng viên LẠI ĐỨC THỤ (khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội):
Không thể coi nhẹ lịch sử
Lẽ ra trước tình hình dạy và học lịch sử ngày càng tuột dốc, người đứng đầu ngành giáo dục cần phải có những quyết sách cần thiết để môn sử được đối xử đúng với tầm quan trọng của nó trong nhà trường. Nhưng những gì chúng ta thấy thì không phải vậy. Nếu người đứng đầu ngành GD-ĐT hiện nay cho rằng môn ngoại ngữ, tin học là cần thiết hơn trong xu thế hội nhập nên việc môn sử bị coi nhẹ thì đó là một sai lầm.
Trong nhà trường phổ thông, điều cần dạy học sinh đầu tiên là dạy để các em trở thành người Việt Nam. Muốn vậy thì phải làm sao để trẻ con biết và tự hào về lịch sử dân tộc, về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. Nhìn ra các nước phát triển khác, dù ngành khoa học kỹ thuật công nghệ của họ đi trước chúng ta nhiều năm, nhưng môn sử vẫn có giá trị quan trọng trong nhà trường phổ thông. Chỉ khi nhà quản lý hiểu được điều này và có các quyết sách cần thiết, có cơ chế đãi ngộ hợp lý thì người thầy mới gắn bó với nghề. Chỉ khi yên tâm, gắn bó với nghề, người thầy mới nghĩ đến việc tìm tòi đổi mới phương pháp, mang đến cho học sinh những bài học lý thú. Và những bài học không nặng nề, không mang tính đối phó (học chỉ để đi thi) mới khiến các em thích học sử và nhớ sử.
Theo tôi, một kỳ thi có hàng ngàn điểm 0 là bình thường trong tình trạng dạy và học sử có nhiều bất cập hiện nay. Nhưng sẽ không là bình thường nếu nhìn vào mục tiêu “dạy con trẻ thành người Việt Nam”.
VĨNH HÀ ghi
Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử NGUYỄN ĐẮC XUÂN: Điểm 0 cho sách giáo khoa và phương pháp dạy Sách sử ở VN hiện nay được viết nặng về ý chí mà nhẹ về khoa học, vì vậy nó khô khan, không logic, khó học, khó nhớ. Trong khi lịch sử là môn học rất sinh động, hấp dẫn. Điều đó chứng minh qua một số cuốn sách sử của các nhà nghiên cứu hiện đang bán rất chạy, nhiều người vẫn sống được bằng cách bán sách về lịch sử. Ai nói dân mình, học sinh mình không thích đọc sử! M.T. ghi Nhà sử học NGUYỄN KHẮC THUẦN (trưởng khoa VN học Trường ĐH Bình Dương): Học sinh các nước Âu - Mỹ không chán sử Không thể nói điểm thi môn lịch sử thấp và ngành sử không thu hút được nhiều người là một hiện tượng chung của nhiều nước trên thế giới. Tôi đã tham quan nền giáo dục của nhiều nước trên thế giới và thấy rằng học sinh các nước Âu - Mỹ không chán sử và điểm sử của họ cũng không thấp như ở nước ta. Xu thế xã hội hiện nay đã tạo ra những ngành mũi nhọn nào là tin học, là ngoại ngữ... Riêng về sử, sách giáo khoa đã dở, thầy dạy chưa hay mà xã hội cũng chưa thật sự đánh giá đúng vị thế của người thầy dạy sử thì làm sao học trò yêu thích môn sử được? Nói tóm lại, điểm môn sử thấp là vấn đề đáng lo nghĩ nhưng đừng kết tội cho học trò mà cần thay đổi nhận thức, thay đổi phương pháp dạy sử, thay đổi sách giáo khoa, quan tâm nhiều hơn đến người dạy sử để họ nâng cao chất lượng giảng dạy... H.HƯƠNG ghi |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT PHẠM VŨ LUẬN:
Dạy và học lịch sử không được như trước cũng dễ hiểu
Trên báo Tuổi Trẻ ngày 30-7 có bài “Hàng ngàn điểm 0 là bình thường” của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời bên lề Quốc hội. Ngay sau khi báo phát hành, Tuổi Trẻ đã nhận thêm ý kiến của bộ trưởng về vấn đề này. Ông viết:
- Tôi nghĩ dạy sử chính là để dạy cho học sinh hiểu biết thế giới xưa và nay, hiểu được truyền thống tốt đẹp của cha ông, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước. Vì thế kết quả thấp như vậy cũng không thể xem nhẹ và cần phải phân tích, đánh giá một cách khoa học để rút ra những kết luận cần thiết.
Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện, phải nhìn thấy rõ những nguy cơ và thách thức của thời đại để có các nhận định đúng và giải pháp phù hợp. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải dạy và học ngoại ngữ, tin học ngay từ các cấp học dưới.
Trong hoàn cảnh đó, việc dạy và học lịch sử, văn học và một vài môn khác không được như trước cũng là điều dễ hiểu. Nếu nhìn rộng ra các nước khác sẽ thấy không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng thế hệ trẻ xao nhãng, thờ ơ với văn học, lịch sử cũng như các môn khoa học xã hội nói chung. Điểm thi môn lịch sử thấp và ngành sử không thu hút được nhiều người là một hiện tượng chung của nhiều nước trên thế giới. Vì sao?
Theo tôi, vì tiếng nói của ngành khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại hôm nay, cũng như cơ hội tìm việc làm, cơ hội có thu nhập tốt của những người giỏi sử, giỏi văn không nhiều như các lĩnh vực khác... Đó là vấn đề mang tính thời đại, do tác động của cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi của đời sống xã hội và đòi hỏi của thị trường lao động.
Về cách dạy lịch sử, nếu dạy sử mà chỉ hướng tới việc yêu cầu học sinh nhớ chi tiết máy móc, nay nhớ xong mai lại quên thì không đúng. Điều quan trọng là phải hướng đến mục tiêu giúp các em tiếp thu được tinh thần yêu nước và truyền thống dân tộc qua mỗi bài học lịch sử, từ đó xây dựng ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với Tổ quốc, với đồng bào. Tuy nhiên, cũng không nên cực đoan cho rằng học sinh bây giờ không cần nhớ điều gì cả. Những ngày tháng đã trở thành sự kiện, thành dấu ấn, thành máu thịt đối với mỗi người Việt Nam thì phải dạy cho các cháu nhớ.
Tuồi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét