Mua he 2009-2010

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Thí sinh đạp xe 300 km đi thi được đặc cách vào đại học

 Ngày 29/8, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký quyết định tuyển bổ sung Ngô Văn Thuận - thí sinh đạp xe 300 km từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học vào trường quan Tăng - Thiết giáp.
          Ngô Văn Thuận đã đạp xe 300 km từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học với 30.000 đồng trong túi. Ảnh: Đức Chung.


          Theo quyết định, Thuận sẽ được Hiệu trưởng trường Sĩ quan Tăng thiết giáp gửi thông báo nhập học đại học cấp phân đội theo quy định.
           Trước đó, nam sinh Ngô Văn Thuận một mình đạp xe từ nhà ở Yên Thành (Nghệ An) ra Hà Nội thi đại học với 30.000 đồng trong túi. Dọc đường đi, em chỉ ăn bánh mỳ và xin nước uống của người dân bên đường. Ra đến Hà Nội, Thuận vẫn còn lại 10.000 đồng.
Em dự định những ngày ở Hà Nội, sau khi thi xong thì ngủ lại bên vệ đường hoặc vào chùa xin ngủ nhờ. Nhưng Thuận may mắn gặp được người công an tốt bụng, đưa về nhà ăn nghỉ, rồi cho tiền để đi xe về quê sau khi thi xong.
              Thuận được thầy chủ nhiệm nhận xét là học sinh khá giỏi của lớp. Ảnh: Đức Chung.
Thầy Nguyễn Trọng Mậu, giáo viên chủ nhiệm cho biết, Thuận là học sinh khá giỏi của lớp chọn 12A5 THPT Yên Thành 2. Tuy gia đình khó khăn nhưng Thuận coi đó là động lực để vươn lên trong học tập, chưa bao giờ chán nản.
          Khi trường Sĩ quan Lục quân 1 công bố điểm chuẩn và biết mình không đỗ, Thuận ra chợ Vinh làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi em học, dự định năm sau sẽ thi tiếp. Tuy nhiên, với 14 điểm, Thuận đủ điểm đỗ trường Tăng - thiết giáp (nhưng em không đăng ký nguyện vọng 1).

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Cảnh mặt trời mọc trên hành tinh Gliese 876d


Trên hành tinh Gliese 876d, cảnh mặt trời mọc thật đáng sợ. Mặc dù chẳng ai biết thật ra trên hành tinh quay quá gần ngôi sao lùn đỏ Gliese 876 của nó như thế này các điều kiện môi trường trông như thế nào, nhưng bức ảnh minh họa trên mang lại sự ấn tượng không kém. Với quỹ đạo gần hơn cả Thủy tinh và khối lượng gấp vài lần Trái đất, Gliese 876d có thể quay chậm đến mức có sự khác biệt rất lớn giữa phía ban ngày và phía ban đêm. Trong bức ảnh minh họa trên, Gliese 876d được tưởng tượng là có hoạt động núi lửa mạnh, có lẽ nguyên nhân là do lực thủy triều hấp dẫn đang nhào nặn và làm nóng phần nhân của hành tinh, và có lẽ còn có sự bốc hơi mạnh ở phía ban ngày. Ngôi sao lùn đỏ mọc lên cùng với hoạt động từ cực mạnh của ngôi sao, với những tai lửa phun lên ngoạn mục. Ở phía trên bầu trời, một vệ tinh giả định có bầu khí quyển mỏng của nó bị gió sao của ngôi sao lùn đỏ thổi giạt ra xa. Gliese 876d khêu gợi trí tưởng tượng của các nhà nghiên cứu một phần vì là nó một trong vài hành tinh ngoài hệ mặt trời mà người ta biết nằm trong hoặc nằm gần vùng ở được của ngôi sao bố mẹ của nó.
Ảnh: Inga Nielsen
Lucky_Rua – thuvienvatly.com

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Bão mặt trời có đe dọa chúng ta không?

Lúc đăng bài viết này (24/01/2012), mặt trời đang sôi sục trong chu kì hoạt động 11 năm của nó. Nhiều vết đen mặt trời có thể nhìn thấy trước những người sử dụng kính thiên văn và các bộ lọc mặt trời. Các đài thiên văn vũ trụ đang phát hiện ra những tai lửa mặt trời rực rỡ - những đợt phun trào bức xạ cường độ mạnh và những sự kiện bùng nổ lớn nhất của hệ mặt trời – kéo dài hàng phút đến hàng giờ đồng hồ trên bề mặt mặt trời. Thỉnh thoảng, những đợt phun trào vật chất vành nhật hoa, hay CME – những bọt khí và từ trường khổng lồ từ mặt trời phát ra, chứa tới một tỉ tấn hạt tích điện có thể truyền đi vài triệu dặm mỗi giờ - được giải phòng vào môi trường giữa các sao. Dòng chất liệu mặt trời này đi xuyên trong không gian, và thỉnh thoảng đi tới Trái đất chúng ta. Vậy nó có gây nguy hiểm không? Chúng ta có nên lo lắng không?

+ Phóng to hình
Một tai lửa mặt trời quan sát bởi Đài thiên văn Động lực học Mặt trời (SDO) của NASA, hôm 23 tháng 1, 2012. Ảnh: SDO

Câu trả lời là không. Những cơn bão mặt trời này nhìn thật khủng khiếp, nhưng chúng không gây nguy hại đối với chúng ta đang ở trên mặt đất.

Vậy thì bão mặt trời có nguy hại gì trong không gian? Những hạt năng lượng rất cao, ví dụ như những hạt mang bởi CME, có thể gây ra sự nhiễm xạ đối với con người và những loài thú khác. Chúng sẽ nguy hiểm đối với những nhà du hành không có lớp chắn bảo vệ, ví dụ những nhà du hành đi lên mặt trăng. Liều lượng nhiễm xạ lớn có thể gây thiệt mạng.

Nhưng, đối với chúng ta đang ở trên mặt đất, bão mặt trời không nguy hiểm vì chúng ta được lá chắn khí quyển của Trái đất bảo vệ. Khí quyển và từ quyển của Trái đất đủ để bảo vệ chúng ta an toàn trên mặt đất.

+ Phóng to hình
Ảnh minh họa từ trường của Trái đất che chắn hành tinh của chúng ta trước các hạt từ mặt trời đến. Ảnh: NASA/GSFC/SVS

Tuy nhiên, bão mặt trời gây nguy hại đối với công nghệ của chúng ta. Khi một đợt phun trào vật chất vành nhật hoa đi tới khí quyển của Trái đất, nó gây ra sự nhiễu loạn tạm thời của từ trường của Trái đất. Bão mặt trời gây ra bão địa từ.

Những cơn bão mặt trời mạnh nhất gửi những dòng vật chất vành nhật hoa của chúng, chứa những hạt tích điện, vào trong không gian. Khi những hạt tích điện đó đụng độ với khí quyển của Trái đất, chúng có thể làm hỏng vệ tinh và những máy bay tầm cao do bức xạ. Chúng có thể gây gián đoạn các hệ thống viễn thông và đạo hàng. Chúng có nguy cơ làm mất điện cả thành phố.

Nhưng, khi một cơn bão mặt trời xảy ra, phải mất vài ngày thì những hạt tích điện nguy hiểm đó mới đi tới Trái đất. Khi một vụ phun trào vật chất vành nhật hoa cỡ lớn trên đường đi của nó, các vệ tinh của chúng ta có thể tạm ngừng vận hành. Những mạng lưới điện trên Trái đất có thể được định thế lại. Vân vân.

+ Phóng to hình
Một tai lửa mặt trời khổng lồ và kích cỡ thật lớn so với Trái đất nhỏ bé của chúng ta. Nhưng Trái đất ở đủ xa mặt trời nên những tai lửa này không gây nguy hiểm gì. Ảnh: NASA

Theo NASA, chu kì mặt trời hiện nay – các nhà vật lí vũ trụ gọi là Chu kì Vết đen Mặt trời 24 – sẽ đạt cực đại vào tháng 2/2013. Số lượng bão mặt trời vào cuối năm 2011 là cao và vẫn ở mức cao lúc đăng bài viết này (đầu năm 2012). Tuy nhiên, theo những tiên đoán hiện nay, chu kì vết đen mặt trời này là nhỏ nhất trong hơn 80 năm qua.

Có lí do để tin rằng những cơn bão trên mặt trời đã và đang xảy ra trong hàng tỉ năm rồi, kể từ khi có mặt trời và Trái đất xuất hiện. Nếu đúng như thế thì toàn bộ sự sống trên Trái đất đã tiến hóa dưới sự ảnh hưởng của chúng. Vì thế, khi chúng ta tiến đến một cực đại khác trong chu kì hoạt động của chúng, mặt trời chẳng làm cái gì mà nó chẳng làm hàng triệu lần trước đây. Sự khác biệt là ở chỗ ngày nay chúng ta có những công nghệ có thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động của mặt trời.

Phát hiện siêu trái đất mới nằm trong vùng ở được của một ngôi sao láng giềng

Một đội khoa học quốc tế vừa phát hiện ra một siêu trái đất có khả năng ở được đang quay xung quanh một ngôi sao láng giềng. Với chu kì quỹ đạo khoảng 28 ngày và khối lượng tối thiểu gấp 4,5 lần Trái đất, hành tinh trên quay trong “vùng ở được” của ngôi sao, nơi nhiệt độ không quá nóng cũng chẳng quá lạnh cho nước thể lỏng tồn tại trên bề mặt của hành tinh. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng của ít nhất một và có khả năng hai hoặc ba hành tinh nữa đang quay xung quanh ngôi sao đó, nó ở cách Trái đất chúng ta khoảng 22 năm ánh sáng.

Ngôi sao mẹ thuộc một hệ sao ba và có thành phần khác với Mặt trời của chúng ta, với hàm lượng thấp hơn nhiều của các nguyên tố nặng hơn helium như sắt, carbon, và silicon. Khám phá này cho thấy những hành tinh có khả năng ở được có thể xuất hiện trong nhiều môi trường đa dạng hơn trước đây người ta nghĩ.

Các nhà nghiên cứu đã khai thác dữ liệu từ Đài thiên văn Nam châu Âu và phân tích nó với một phương pháp phân tích dữ liệu mới lạ. Họ còn kết hợp những phép đo mới thu từ Quang phổ kế Echelle Phân giải Cao của Đài thiên văn W.M. Keck và Quang phổ kế Tìm kiếm Hành tinh Carnegie tại Kính thiên văn Magellan II. Kĩ thuật tìm kiếm hành tinh của họ là đo lấy những chao đảo nhỏ trong chuyển động của ngôi sao gây ra bởi lực hấp dẫn của một hành tinh.

Ảnh minh họa hai hành tinh nêu trong bài báo này: b và c. Hành tinh c nằm trong vùng ở được của ngôi sao mẹ. Hành tinh b thì quá nóng. Ảnh: Guillem Anglada-Escudé

Ngôi sao mẹ, tên gọi là GJ 667C, là một sao lùn loại M. Hai ngôi sao còn lại trong hệ sao ba (GJ 667AB) là một cặp sao lùn K màu cam, với hàm lượng của những nguyên tố nặng chỉ bằng 25% so với Mặt trời của chúng ta. Những nguyên tố nặng là viên gạch cấu trúc của những hành tinh đất đá, nên người ta nghĩ ít có khả năng cho những hệ sao đã tiêu hao hết kim loại có được nhiều hành tinh khối lượng thấp. Khám phá này gợi ý rằng thiên hà của chúng ta phải đang ẩn chứa hàng tỉ hành tinh có khả năng ở được.

Trước đây, GJ 667C đã từng được quan sát thấy có một siêu trái đất (GJ 667Cb) với chu kì 7,2 ngày, tuy nhiên kết quả này chưa bao giờ được công bố. Hành tinh này quay quá gần ngôi sao mẹ nên nó sẽ quá nóng cho nước tồn tại ở thể lỏng. Nghiên cứu mới bắt đầu với mục tiêu là thu được những thông số quỹ đạo của siêu trái đất này.

Nhưng ngoài ứng cử viên đầu tiên này, đội nghiên cứu còn tìm thấy dấu hiệu rõ ràng của một hành tinh mới (GJ 667Cc) với chu kì quỹ đạo 28,15 ngày và khối lượng tối thiểu gấp 4,5 lần Trái đất. Hành tinh mới nhận 90% ánh sáng mà Trái đất nhận. Tuy nhiên, vì đa phần ánh sáng tới của nó thuộc về miền hồng ngoại, nên hành tinh cũng sẽ hấp thụ một phần trăm cao hơn của năng lượng tới này. Khi xét đồng thời cả hai hiệu ứng, người ta thấy hành lượng năng lượng mà ngôi sao trên hấp thụ từ ngôi sao của nó bằng với lượng năng lượng mà Trái đất chúng ta hấp thụ từ Mặt trời.

Đội nghiên cứu tìm thấy hệ ba trên còn có khả năng chứa một hành tinh khí khổng lồ và một siêu trái đất nữa với chu kì quỹ đạo 75 ngày. Tuy nhiên, hai khả năng này cần có thêm quan sát mới có thể xác nhận.

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

TOP 10 thành tựu vật lí trong năm 2011 theo bầu chọn của New Scientist

Chưa có năm nào trong những năm gần đây lại có nhiều tin tức vật lí gây xôn xao dư luận như năm 2011. Từ những neutrino có thể chuyển động nhanh hơn ánh sáng đến những gợi ý của boson Higgs, hạt cuối cùng chưa được khám phá trong mô hình chuẩn, các câu chuyện vật lí luôn nổi bật trong năm qua. Tạp chí New Scientist đã bầu chọn ra 10 câu chuyện được xem là bất ngờ hoặc thú vị nhất, nhiều câu chuyện trong số đó sẽ tiếp tục gây đình đám trong năm 2012.

Neutrino ‘siêu sáng’ hướng đến thực tại vật lí mới

Ngoài việc làm rạn vỡ nền vật lí, những phép đo kì lạ ấy có thể còn là những gợi ý đầu tiên của những chiều bổ sung.

Hạt Higgs nhẹ mở ra cánh cửa bước sang nền vật lí mới

Hai thí nghiệm cạnh tranh nhau tại Máy Va chạm Hadron Lớn đều nhìn thấy những dấu hiệu tương tự nhau của hạt còn thiếu cuối cùng trong mô hình chuẩn – khối lượng nhỏ của nó hướng đến nền vật lí mới.

Boson Higgs vẫn tiếp tục chơi trốn tìm với các nhà vật lí

Tín hiệu bí ẩn tại Fermilab gợi ý đến lực ‘technicolour’

Hồi tháng 4, thí nghiệm CDF tại máy va chạm Tevatron ở Fermilab đã báo cáo nhìn thấy một dấu hiệu của những hạt mới có thể hướng đến một lực trước đây chưa được nhận dạng trong tự nhiên. Nhưng vào tháng 6, một thí nghiệm Tevatron đối địch. DZero, cho biết họ không nhìn thấy dấu hiệu đó trong dữ liệu tương ứng. Vào tháng 12, phát ngôn viên CDF Rob Roser phát biểu rằng các nhà vật lí Fermilab vẫn đang cố gắng tìm hiểu sự không nhất quán đó. “CDF có năm đội khác nhau hiện đang nghiên cứu phân tích chỗ nhô lên [trong đồ thị] đó, khảo sát mẩu dữ liệu đầy đủ từ những góc độ khác nhau,” ông nói. “Chúng tôi hi vọng có câu trả lời [vào đầu năm 2012]”.

Những nguyên tố nặng nhất gia nhập bảng tuần hoàn

Tin chính thức: các nguyên tố 114 và 116 đã được bổ sung vào bảng tuần hoàn, đưa các nhà hóa học tiến thêm một bước đến với hòn đảo ổn định lâu nay vẫn xem là hoang đường.

Rút ra ánh sáng từ không gian trống rỗng

Bạn có thể thu về cái gì đó từ hư vô – miễn là bạn đang đi trong một chân không ở gần tốc độ ánh sáng.

Tại sao da là thấu kính tốt hơn thủy tinh

Ánh sáng chiếu xuyên qua da bị hội tụ sắc nét hơn so với khi nó đi qua một thấu kính trong suốt.

Dị thường phản vật chất LHC gợi ý nền vật lí mới

Máy Va chạm Hadron Lớn đã làm nổi lên những khác biệt ở cách thức phân hủy của các hạt vật chất và phản vật chất mà mô hình chuẩn hiện nay của ngành vật lí có lẽ không thể giải thích nổi.

Thí nghiệm thứ hai gợi ý tín hiệu vật chất tối theo mùa

Trong những năm qua, một đội nghiên cứu đơn độc vẫn khăng khăng rằng họ đã nhìn thấy một sự biến thiên theo mùa trong tín hiệu vật chất tối – nay một nhóm khác cũng báo cáo kết quả tương tự.

Vũ trụ sẽ kết thúc trong vụ nổ lớn?

Tập trung vào một cái kết hợp lí nhưng khủng khiếp cho vũ trụ có thể làm sáng tỏ sự hấp dẫn lượng tử vốn khó nắm bắt.

Các trạng thái lượng tử tổn tại lâu hơn trong mắt chim

Một cái la bàn kích hoạt bằng ánh sáng nằm ở phía sau mắt của một số loài chim giữ các electron trong những trạng thái lượng tử mong manh trong thời gian lâu hơn so với những hệ nhân tạo tốt nhất.